Khách thích thì khách “bom hàng” thôi!
Với sự nở rộ của các shop online, việc mua sắm trở nên thuận tiện rất nhiều. Chỉ cần một cú điện thoại, một click chuột là “thượng đế” có ngay món hàng mong muốn “ship tận cổng”.
Dẫu vậy, công việc kinh doanh online chưa bao giờ dễ dàng, thậm chí đây là một công việc “khó nhằn”. Bởi nếu may mắn gặp khách hàng tử tế, công cuộc mua bán diễn ra rất thuận tiện. Nhưng nếu chẳng may gặp phải khách đặt hàng “cho sang miệng” rồi bỗng dưng hủy không cần lý do, hoặc hủy vì những lý do hết sức “củ chuối” thì chủ shop tha hồ ấm ức.
Mới đây, trên một diễn đàn mạng, cư dân mạng lan truyền hình ảnh đoạn đối thoại giữa chủ shop hỏi lý do khách hủy đơn hàng đã nhận được câu trả lời ráo hoảnh “Cuộc sống mà”. Quá cạn lời trước lý do hủy đơn hàng của khách, chủ shop đành chào thua.
Ngay sau khi chia sẻ, bài viết nhận được gần 7.000 lượt like và hàng trăm lượt bình luận. Có người cho rằng việc đặt xong thấy chán , không thích lấy nữa xảy ra như cơm bữa. Chẳng qua khách thích thì “bom hàng” thôi, chẳng vì lý do gì cả!
Thực tế đã bước chân vào công việc bán hàng online, hầu như chủ shop nào cũng từng gặp phải tình huống khách hủy hàng. Tuy nhiên, đã có những pha hủy hàng khiến chủ shop không thể đỡ nổi!
Chị Ngọc (chủ một shop online tại Hà Nội) từng tức “nổ đom đóm mắt” khi khách đòi trả chiếc váy 320.000 đồng với lời phản hồi “váy chán quá”, “vải đểu”, “em tưởng 320.000 được váy tốt tốt một tí, em cầm cái váy không ưng tí nào”.
Ngọc bức xúc cho biết, chị sẵn sàng đổi, trả hàng nếu sản phẩm không đúng như hình. Tuy nhiên, với giá 320.000 đồng, chất liệu váy như vậy là không có điều gì đáng bàn. Điều khiến Ngọc bực nhất là thái độ của khách khi họ nằng nặc yêu cầu shop “tự cầm hàng của mình về, nghĩ cách bán và trả lại tiền”.
Đủ chiêu đòi đổi trả hàng, bùng tiền chủ shop
Cứ đến cuối tháng, bạn bè lại thấy Thùy Linh, chủ một shop online chuyên đồ xách tay Malaysia treo status: “Khách chuyển khoản cho em nhé. Hết tháng rồi!”. Không biết bao nhiêu lần Linh phải “tăng xông”, “làm loạn lên” mới đòi được tiền nợ của khách.
“Làm hàng order, bị khách bùng, không lấy hàng, lấy hàng rồi kiếm đủ chiêu trì hoãn trả tiền là chuyện xảy ra như cơm bữa. Chính vì thế, dù cực chiều khách nhưng những món đồ có giá trị cao, tôi thường yêu cầu khách trả trước 100% tiền hàng. Chỉ cho nợ khách quen và món đồ có giá trị thấp”, Linh bày tỏ.
Linh nhớ có lần khách năn nỉ order giúp một đôi giày được giảm giá 70%. Vì quá nể khách nên dù đã đóng đơn nhưng Linh đành mở đợt order mới, tìm người gom hàng để được miễn phí ship nội địa.
Sau khi gom đủ khách, lấy thông tin size giày gửi hãng, giày về, khách nhận hàng và Linh bị khách than phiền giày rộng. Trong khi đó, các khách khác đi giày đều rất vừa chân. Để “chuộc lỗi”, Linh đã bán giúp khách đôi giày và đặt một đôi khác bù lại vì khách quá thích.
Vậy mà sáng hôm sau, vị khách hàng nữ ấy bất ngờ hủy đơn hàng. Linh hỏi tại sao, khách một mực “tớ ứ biết đâu!!”. Chị kêu khách lấy thước ra đo chân để so với size giày nhưng khách không chịu, không ưng giày. Đến nước này, Linh đành “chào thua”, không thể chiều nổi vị khách “lắm chiêu” này.
Một trường hợp khách hỏi mua hàng vào ngày 29 âm lịch, trong khi đó 30 âm lịch hàng mới về. Khách lại báo ship gấp nên Linh ship ngay ngay hôm sau khi hàng về. Kết quả khách kiêng…xuất tiền mùng 1, không nhận hàng. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai, chị ta vẫn nhất quyết không nhận hàng.
“Khách viện đủ lý do, nào là bận, mở cửa hàng trong khi đó vẫn đăng ảnh đi chơi sang chảnh lên Facebook. Hỏi tại sao không nhận hàng, họ nói “đặt cho vui”, “hủy thì sẽ làm ảnh hưởng đến shop”.
Khách hàng nhiều người dễ tính, đáng yêu đến mức không quan tâm giá, tùy người bán chọn, chốt mức đơn, chuyển khoản trước khi nhận hàng. Nhưng không ít người kì kèo mặc cả từng đồng, viện mọi lý do để không nhận đồ. Thật bó tay! Dù shop chiều khách đến mấy cũng không thể chạy theo những kiểu khách đó!”, Linh thẳng thắn nói.